Sales luôn được coi là “nghề mặc định sau cùng” nghĩa là phần lớn mọi người tìm đến nghề này vì đó là giải pháp cuối khi không thể xin được công việc nào khác. Đây cũng là nghề có tỷ lệ “ra – vào” rất cao, mà một trong những lý do chính xuất phát từ những cách nghĩ không đúng về nghề sale. Những hiểu nhầm đó đã ăn sâu, thâm căn cố đế và thậm chí truyền từ người có trải nghiệm trước cho người mới vào sau.
Hình dung 1: Chỉ những người “mồm mép” mới thành công được với nghề Sales
Không thể phủ nhận những người có tài năng ăn nói luôn là một lợi thế lớn trong việc gặp mặt khách hàng. Nhưng giờ đây, chỉ giỏi ăn nói là chưa đủ để mỗi điểm bán/đại lý chấp nhận chi tiền. Mỗi ngày, khách hàng phải tiếp xúc với hàng chục sales của các nhà phân phối, doanh nghiệp, thương hiệu khác nhau nên chắc chắn họ không dễ tin lời mà một nhân viên bán hàng nói ra.
Ngoài ra, không phải ai cũng thích nghe người khác nói nhiều và đôi khi khiến câu chuyện trở nên thiếu trung thực, thiếu sự quan tâm và thiếu thiện chí. Có những nhân viên bán hàng không có tài năng ăn nói nhưng thích lắng nghe lại có doanh số bán hàng cao hơn so với một người “nói hết phần người khác”. Đặc biệt khi các doanh nghiệp đều quy định khoảng thời gian đi chăm sóc điểm bán, nếu dành quá nhiều thời gian để nói, bạn sẽ không thể lắng nghe, nắm bắt chính xác thông tin cá nhân, thói quen nhập hàng hay những chi tiết vụn vặt nhưng rất có ích cho việc chốt sale như: thường thanh toán vào khoảng thời gian nào trong tháng,…
Hình dùng 2: Sales luôn hừng hực, làm việc có anh em bạn bè
Nếu chỉ thường xuyên xem các clip trên mạng hay tham gia các khóa học, nhiều người sẽ lầm tưởng sales là nghề luôn có anh em bạn bè kề vai sát cánh, hô vang khẩu hiệu, vui vẻ cả ngày. Nhưng không. Tất cả những người làm sale lâu năm đầu cho rằng nghề sale thường gắn với sự cô đơn: ra đường chỉ có một mình; gặp khách hàng một mình, thường xuyên bị hỏi xoáy, tra vấn, nhận xét tiêu cực,… Tóm lại, theo như lời của chuyên gia đào tạo Sales hàng đầu Đỗ Xuân Tùng là ‘cảm giác cô đơn đến cùng cực, bao nhiêu uất ức dồn nén lại chỉ còn biết dựa vào bản thân mình”.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng vỡ mộng nếu như tôi nói như vậy. Chính sự cô đơn đó đã tôi luyện nhân viên bán hàng trở thành những người tài năng nhất, có tinh thần thép bởi họ có khả năng xử lý mọi công việc, chịu đựng mọi gian khổ. Fake it until you make it (tạm dịch: Bắt chước cho đến khi bạn làm được), phương châm sống này của Amy Cuddy – nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ rất đúng trong nghề sales. Nếu muốn trở thành một người nào đó, mình hãy hành động/cư xử giống như mình đã là người đó rồi, làm như thế đến khi mình thật sự trở thành người mà mình tưởng tượng.
Hình dung 3: Sales là nghề thăng trầm bất định, không có tương lai và khó thăng tiến
Quan niệm này ở một góc độ nào đó là đúng khi tính ‘ra – vào” của nghề này luôn nằm trong top đầu. Tuy nhiên, công việc nào cũng vậy, nếu ngay từ đầu mình đã muốn nhảy việc thì chắc chắn sẽ không thể gắn bó với một nghề lâu dài. Với nghề sales, khi nhân viên bán hàng biết tuân thủ một quy trình làm việc hợp lý, biết sắp xếp tuyến bán hàng, khai thác số liệu kinh doanh thì chắc chắn bạn sẽ thành công. Sự thăng trầm chỉ xuất hiện khi bạn không có mục tiêu, không có con đường đi đúng đắn.
Bên cạnh đó, nếu cho rằng sales là nghề không có tương lai, không thể thăng tiến thì chắc chắn bạn không biết rằng “Gần 80% các nhà lãnh đạo, quản lý đều xuất phát từ nhân viên bán hàng” hay ⅗ cá mập của chương trình Shark Tank đình đám nước Mỹ cũng từng vật lộn bán hàng trên hè phố.. Họ đã từng tiếp xúc với chủ đại lý, nghe điện thoại, chịu đựng phản ứng tiêu cực khi có vấn đề phát sinh nhưng cuối cùng họ đều thành công vì biết kiên định mục tiêu. Có một điều ít biết là khi công ty gặp khó khăn thì giám đốc hay tìm tới những người làm sales kỳ cực hoặc quản lý của họ để hỏi ý kiến tư vấn. Bởi đặc thù của sales là tuyến đầu trong giao tiếp với khách hàng, là nơi nhận thông tin phản hồi trực tiếp và khách quan nhất. Đó là nguồn cung cấp thông tin không thể cụ thể và hữu ích hơn cho những chủ doanh nghiệp ra quyết định.
Hình dung 4: Phải nói thật cao siêu và tỏ ra chuyên nghiệp
Đừng lúc nào cũng cố tỏ ra “Tây” học và dùng quá nhiều thuật ngữ chuyên môn trong quá trình tiếp xúc với chủ điểm bán. Việc cố gồng mình lên để thật chuyên nghiệp chỉ khiến sales trông thật đa cấp và không đáng tin. Hãy giản dị trong cách tiếp cận, thành thật với khách hàng và tuyệt đối không bao giờ được phép nói dối. Chia sẻ với khách hàng một câu chuyện thật về những gì sản phẩm đang có, cái đó giúp được gì cho khách hàng và thậm chí cả những gì cần được cải thiện. Chúng ta chỉ có được sự CHÂN THÀNH và TÔN TRỌNG nếu chúng ta dành nó cho khách hàng của mình. Có thể trong thực tế, bạn sẽ gặp rất nhiều tình huống bạn chỉ cần ‘ờ” là sẽ bán được hàng, đủ doanh thu báo cáo sếp nhưng chắc chắn việc này sẽ chỉ kéo dài được lần thứ nhất, lần thứ 2. Không ai cảm thấy tin tưởng để nhập hàng nếu như bạn đã lừa dối một lần
Hình dung 5: Muốn thành công phải có bí kíp
Nhiều người khi dấn thân vào nghề Sales thường tham gia hết khóa học này, khóa học khác hoặc theo chân những nhân viên bán hàng giỏi nhằm học được bí kíp bán hàng. Trên thực tế, chẳng có bí kíp bán hàng nào, chỉ có công cụ và kỹ năng. Cái gọi là bí kíp thực chất là kinh nghiệm xử lý khi gặp tình huống A, B, C hoặc với khách hàng bất kỳ và nó không thể đúng với mọi tình huống. Những gì sales có ban đầu chỉ là công cụ. Phải luyện miệt mài thì nó mới thành phản xạ tự nhiên, làm như không làm lúc ấy mới gọi là kỹ năng.
Nếu có thể cho lời khuyên về cách hình dung ra nghề sales, tôi khuyên bạn đừng tin những hình ảnh tươi tỉnh, ăn mặc đẹp đẽ, lời nói dịu dàng trong phim quá nhiều. Đối với tôi, salesman là những người rắn rỏi, gương mặt khá sương gió (coi đường xá là nhà) và dày dạn. Hầu hết mọi nhân viên bán hàng tài năng đều cho rằng họ không muốn làm nghề sales từ đầu nhưng giờ bảo họ chuyển nghề khác thì họ lại không muốn. Dù “làm dâu trăm họ” nhưng nếu biết kiên định mục tiêu, tránh xa các quan điểm sai lầm, chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá trong hoạt động bán hàng.
MobiWork DMS là giải pháp hỗ trợ sales trong quá trình viếng thăm khách hàng, xây dựng một quy trình chuẩn nhằm kiểm soát hoạt động tại điểm bán, từ đó góp phần nâng cao hiệu suất chốt đơn hàng,… Hàng trăm doanh nghiệp như Tân Á Đại Thành, Miwon, Mead Johnson, Cơ điện lạnh Đại Việt… đang áp dụng thành công phần mềm dms để cải thiện hiệu quả việc quản lý hệ thống phân phối
- Áp dụng công nghệ trong quản lý trưng bày hàng hóa
- Trưng bày hàng hóa tại điểm bán – cuộc chiến không hồi kết
- Trưng bày hàng hóa – sự pha trộn giữa khoa học và nghệ thuật
- Để trung thu là tết của chính doanh nghiệp bạn
- Trung thu – Doanh nghiệp nên lấy “tốc độ” làm thế mạnh
- Ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp