Ở phần I, chúng ta đã biết đến 6 sai lầm nhân viên Sales hay mắc phải:
1/ Cứ mưa là không ra đường
2/ Hay thức đêm vào những việc không lành mạnh
3/ Dùng từ ngữ không chuyên nghiệp
4/ Vầng vầng … Rồi rồi … Em sẽ em sẽ
5/ Một cái áo rộng bụng, một cái quần vải không hợp với đôi giày da
6/ Vay tiền của Khách hàng
Phần này chúng ta lại tiếp tục với chuỗi các “sai lầm chết người” dân Sales đặc biệt lưu ý tránh xa để đạt tới mức độ chuyên nghiệp, chiếm được thiện cảm lâu dài của khách hàng.
Sai lầm chết người 7: MẢI MÊ CHIẾN THẮNG SƠ BỘ KHI ĐÀM PHÁN, QUÊN – KHÔNG – RA – VỀ – ĐÚNG – THỜI – ĐIỂM
Sở dĩ tôi dùng kiểu viết có gạch quên-không-ra-về-đúng-thời-điểm để làm nổi bật, nhấn mạnh nó, để cho bạn nhớ!
Đây không phải là 1 lỗi trầm trọng, vì dù vi phạm nó, có thể bạn vẫn chốt sale, vẫn hiệu quả, doanh số bạn vẫn cao, bạn vẫn được khách hàng quý.
Nhưng… nó vẫn là lỗi, và nó cản trở bạn bước vào con đường sale chuyên nghiệp, Khả năng bạn mãi mãi không thể tăng lên được.
Muốn ĐẲNG CẤP, phải vượt qua được Sai lầm này. Cho nên, sai lầm này vẫn liệt vào hàng Chết người!
Đây là 1 lỗi phổ biến, cực kỳ phổ biến, không chỉ với dân Sale mà các sếp CEO, CMO, hoặc bất cứ 1 người nào.
Chỉ dân có nghề, dân chuyên nghiệp mới không mắc phải lỗi này. Và đương nhiên, dân Sale chuyên nghiệp mới biết và tránh được lỗi này, do đã dày dạn kinh nghiệm, và bây giờ, bạn được nghe nó, để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Vượt trở ngại trời mưa và phi ra đường (thắng sai lầm 1), với 1 dáng vẻ đầy sức sống do lối sinh hoạt lành mạnh không thức đêm (vượt sai lầm 2), khi gặp khách hàng dùng từ ngữ rất chuyên nghiệp (bỏ xa sai lầm 3), không mắc bậy hứa hẹn Vầng Vầng Rồi Rồi Em Sẽ (hạ gục sai lầm 4), với 1 trang phục đẹp, chuyên nghiệp (vứt sọt rác sai lầm 5)… bạn y hệt 1 cầu thủ thiện nghệ, rê rắt, chuyền bóng, rồi nhận bóng, lừa qua hàng hậu vệ, và xuất sắc chọc thủng lưới… tin được không? Giờ bạn bắt đầu mắc sai lầm, và cũng là lúc bạn tự làm yếu đi sức mạnh của chính mình, giảm THIỆN CẢM trong mắt khách hàng, cản trở bạn đi vào con đường làm Sale chuyên nghiệp.
Biểu hiện của nó như sau: Bạn đàm phán với khách hàng, và hoàn toàn đạt điểm, khách hàng như bị bạn chinh phục 100%, họ yêu quý bạn, họ đầy THIỆN CẢM với bạn, họ không tiếc thốt lên lời khen bạn, và họ HỨA HẸN VỚI BẠN VỀ VIỆC CHỐT SALE – HỌ NÓI THẬT LÒNG, và bạn biết rằng họ nói thật lòng. Bạn rất vui, vì giúp được khách hàng, giúp cho cả công ty mình, cả doanh số cá nhân mình… nhưng khổ 1 chỗ là họ phục bạn quá, họ khen bạn quá.. bạn bắt đầu sướng quá, bạn phục bạn quá Dvà ngồi lại tiếp tục nói chuyện với họ.
Lẽ-ra-bạn-phải-ra-về-ngay-lập-tức đúng thời điểm thì bạn cứ nấn ná, nán lại nói chuyện tiếp vì vẫn đang… sướng. Ngay cả khi cơ thể bạn mách bảo: Thôi về đi, thì bạn lại không thèm lắng nghe cơ thể. Và như đồ thị hình sin, bạn ngồi lâu quá nói dài nói dai nói dại (kèm theo có thể có vài câu không khiêm tốn như trước), đồ thị bắt đầu đi xuống… rồi 1 lúc sau, Khách hàng ngó nhìn đồng hồ, hoặc xem giờ trên điện thoại, rồi nói khéo: anh/chị vài phút nữa có cái hẹn abc…bla bla… giờ bạn mới xin phép và nhấc mông đi về – lúc đó THIỆN CẢM của bạn đã bị sứt mẻ, giảm ít nhiều.
Có thể sẽ không mất hợp đồng đâu, thậm chí rất ít (5-10% mất là cùng, vì mới chỉ thắng trong đàm phán, chưa ký và giao tiền chính thức) Nhưng bạn đã để lại 1 dư vị không tốt, 1 cảm giác vui vẻ không trọn vẹn. Lúc họ mừng vui nhất, bạn vui nhất thì lẽ ra phải…xin phép ra về – thì lại ngồi lại nói chuyện khá vô duyên làm giảm hết dư âm đẹp.
Theo ngôn ngữ âm nhạc dân dã thì tình chỉ đẹp khi còn dang dở, và bạn đã không giữ trạng thái dở dang!
Theo ngôn ngữ NLP, khi khách hàng vui nhất, hãy ra về ngay để họ giữ theo cảm xúc đó lại, bạn giữ được THIỆN CẢM cao nhất, để sau đó cứ nhìn thấy ta là họ sướng.
Theo khía cạnh bản lĩnh thì Được khen, chiến thắng cũng thuộc diện có thể đưa người ta vào trạng thái “Cháy nhà ra mặt chuột” và phải có BẢN LĨNH, KINH NGHIỆM để ứng xử với lời khen, ứng xử với chiến thắng.
Nói về thời vận thì có thờ có thiêng có kiêng có lành, khi chiến thắng trong đàm phán đến là phải rút ngay, tránh bàn luận lâu la tự mãn rất đen đủi.
Nên nhớ: Nếu muốn đá giải CHUYÊN NGHIỆP, muốn tăng LEVEL, muốn ĐẲNG CẤP trong Sale, muốn là người bán hàng siêu hạng thì phải loại bỏ được sai lầm 7 này!
Sai lầm chết người 8: ALỐ…ALO ANH ABC À?
Khi 1 khách hàng, tên là Long chẳng hạn alo cho Sale, tên người Sale là Đức chẳng hạn, và trên máy Đức rõ ràng hiện tên anh Long rồi, chúng ta xem cuộc hội thoại sau:
– A LỐ
– Ơ..alo…Đức à
– Vâng, anh Long ạ?
– Uh, anh Long đây em!
– Vâng, em nghe đây anh (may mà còn không nói nói: Thế có CÁI VẤN ĐỀ gì không anh Long? – xem lại phần 1)
…
Chúng ta thấy sao?
Mất đúng 5 cái gạch đầu dòng mà chả đâu vào đâu. Lẽ ra chỉ cần nói: “Dạ em nghe anh Long ơi.” Hoặc: Dạ em Đức đây anh Long ơi
Chỉ tốn đúng 1 câu và câu thứ 2 là khách hàng có thể trình bày thẳng vào công việc được rồi, đằng này đúng 5 câu mà vẫn chưa đâu vào đâu, trong khi khách hàng là người gọi điện, là người phải trả tiền.
Cái lỗi: A LỐ khi mà biết người bên kia là ai rồi rất thường gặp, nhất là người bên kia là khách hàng thì càng khó chấp nhận. Thậm chí A LỐ xong rồi lại còn im lặng đợi người bên kia hỏi rồi mới nói.
Nhớ nhé: Dạ em Đức đây anh Long ơi!
hoặc: Dạ em nghe anh Long ơi
(hoặc gì cũng đc, miễn là chỉ-1-câu và phải-gọi-tên-khách-hàng)
Sai lầm chết người 9: DÌM HÀNG KHÁCH HÀNG BẰNG CÁCH “KHOE” CÁC ĐƠN HÀNG TO HƠN ĐÃ KÝ
Lỗi này phổ biến! Siêu phổ biến! Cực kỳ phổ biến!
Cũng nói thêm với bạn các sai lầm này là các kinh nghiệm tôi rút ra khi làm Sale? Sai nhé! Các lỗi này tôi còn quan sát được khi tôi tiếp xúc với vô số dân Sale, với tư cach tôi là khách hàng, là thượng đế, chứ không hoàn toàn là kinh nghiệm hồi tôi còn là nhân viên Sale.
Lỗi này là lỗi sơ đẳng, nếu vướng phải thì chỉ phản ánh nhân viên Sale thuộc hàng cấp thấp… và khách hàng khi bị ăn “quả” này thì 1 là không thèm chấp, 2 là cười trừ bỏ qua, 3 là thấy hơi…đắng!
Mà khổ Dân Sale chuyên nghiệp thì ít, dân mới vào nghề thì nhiều, lại quá đông và hung hãn nên rất hay mắc lỗi này!
Nhận dạng như sau:
Khi khách hàng khó tính 1 chút, hoặc “tỏ vẻ” 1 chút, và thực tế là đơn hàng giá hơi thấp 1 chút hoặc lượng mua hơi ít và hơi làm mất thời gian của Sale (tính cả trước hoặc sau khi đã ký hợp đồng) thì nhân viên Sale lẽ ra phải kiên nhẫn và chăm sóc, thì lại nói huỵch toẹt, hoặc nói bóng gió với 1 THÁI ĐỘ rất không khiêm tốn rằng: Những đơn hàng khác…em thường không…công ty em từng bán… to lắm, lớn lắm (ý là đơn hàng anh/chị nhỏ lắm, thường lắm, nghèo lắm).
Sai!
Đã không bán hàng thì thôi, đã bán thì dù có đơn giá siêu nhỏ hoặc số lưownjg siêu ít nhưng 1 khi đã bán, hoặc đã ký hợp đồng thì phải được chăm sóc đầy đủ với 1 THÁI ĐỘ tốt!
Hoặc tinh tế hơn, có thể có khách hàng mua khá nhiều hàng, và bản thân họ đang sướng, vì cũng chi nhiều, ví dụ khách hàng đó mua 1 lúc 8 giỏ quà tết, và cũng đang sướng, cần 1 lời khen, hoặc tưởng rằng mình đang mua nhiều nhất, mới hỏi chú em bán hàng: Anh mua nhiều thế em có giảm giá chút không? – hoặc: Có ai mua nhiều như anh chưa?
Và đây là câu trả lời: Anh mua thế này còn ít lắm, có người đặt em tận 30 giỏ quà cơ, trước đó có công ty đặt 1 lúc 60 giỏ…
1 gáo nước lạnh vừa bị hắt vào mặt khách hàng, và thằng nhân viên sale đó nếu muốn khách hàng nhớ suốt đời thì cậu ta đã đạt được mục đích.
Còn bạn, nếu là bạn, bạn sẽ nói sao?
Sai lầm chết người 10: CHƯA GÌ ĐÃ NÔN NÓNG “GỢI Ý” CHIA % CHO KHÁCH HÀNG NẾU KÝ HỢP ĐỒNG (với mong muốn chốt sale nhanh và đá văng đối thủ)
Đây là 1 sai lầm cũng thuộc hàng kinh dị và khá phổ biến của dân Sale mới vào nghề.
Sai lầm cơ bản của nó là: quá nôn nóng đánh bật đối thủ và chốt sale (để đạt doanh số) và không biết mình biết người
Đặc điểm nhận dạng: NV Sale, kinh doanh may mắn vượt qua được vòng loại, hẹn hò gặp trực tiếp khách hàng (trước đó có thể đã vượt qua vòng email marketing, giới thiệu…) và có cơ hội diện kiến nhân viên, trợ lý, trưởng phòng/giám đốc bộ phận của bên công ty khách hàng để chào hàng hoặc gửi báo giá. Nhân viên kinh doanh nhanh chóng nhận diện ra người khách hàng này không phải là người to nhất công ty, y vẫn chỉ là người “làm thuê” và đang sử dụng sản phẩm của công ty khác hoặc đối thủ. Khách hàng này đương nhiên chưa đủ thân quen, hoặc chưa-đủ-thông-tin. Nhưng khi nói chuyện với khách hàng đó chưa được “1 tuần trà”, chưa được “1 vài trống canh”, chưa “hút hết 1 điếu thuốc”, chưa nói sâu về đặc tính sản phẩm, thời gian giao hàng, số lượng, bảo hành, trả trước… nhân viên kinh doanh đã nhanh chóng sốt sắng gợi ý chia % cho người đó nếu hợp đồng được ký. Và… thất bại!
Sai lầm này sẽ không là chết người, thậm chí rất hiệu quả, nếu nó không diễn ra quá nhanh chóng, quá sốt sắng. Trong kinh doanh có câu nói: “Tham nhũng vừa phải sẽ bôi trơn nền kinh tế”, quả thật trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam thì mỗi khi ký 1 hợp đồng thì người-liên-hệ phải được 1 tý hoặc vài tý % gì đó thì họ sẽ thấy “yêu nghề” và “gắn bó” hơn rất nhiều, điều này không đúng nhiều với doanh nghiệp tư nhân nhưng quá đúng với công ty liên doanh lớn và siêu đúng với công ty nhà nước.
Nhưng khi họ “ăn” thường dựa trên 2 yếu tố:
– An toàn: Vì “ăn” nhiều thì đồng nghĩa với rủi ro cao, thế nên cần an toàn và chắc chắn. 1 người nhân viên kinh doanh lạ hoắc như bạn có đủ yếu tố Niềm tin cho họ không? Có làm họ cảm thấy An toàn không?
– Đã sàng lọc kỹ từ các mối quan hệ: Thậm chí họ sẽ làm với 1 công ty cung cấp thuộc dạng họ hàng, bạn bè của họ, thậm chí chính họ lập ra, hoặc dựa trên sự sàng lọc từ các mối quan hệ. Các bạn nhân viên kinh doanh nên nhớ: 1 người khá trưởng thành có từ 150- 250 mối quan hệ, vì thế khi bạn vừa đến trước mặt họ thì bạn không phải là duy nhất đâu!
Bạn vừa chưa tạo cảm giác An toàn cho họ, lại chưa là 1 mối quan hệ thân thiết mà đòi đá văng đối thủ và khách hàng phải mua hàng của bạn?
Thậm chí phần trăm bạn chiết khấu cho khách hàng còn thấp hơn % công ty kia đang chiết khấu cho họ thì sao?
Vậy giải pháp đặt ra cho tình huống này là gì?
Hãy bình tĩnh! Khoan nói về % vội. Hãy tìm cách chiếm Thiện Cảm và Lòng tin ở khách hàng đã.
Song song với việc giới thiệu về sản phẩm bạn bán 1 cách chuyên nghiệp, chuẩn xác bạn hãy hỏi thêm khách hàng về thông tin của sản phẩm/dịch vụ họ đang dùng như: Gía cả, thời gian giao hàng (thời gian đáp ứng), số lượng, chất lượng, lịch sử mua hàng, họ đang liên hệ với ai…Rồi từ từ mới bàn đến %, chiết khấu. Đơn hàng nhỏ thì có thể chốt sale trong ngay buổi đầu – nếu siêu, còn không đừng tham vọng bắt buộc phải chốt sale nhanh. Đôi khi phải đặt ra mục tiêu chốt sale chậm để tăng lòng tin. Và có thể lần sau gặp lại khách hàng này bạn nên đi cùng trưởng phòng hoặc giám đốc của bạn, với những chính sách sản phẩm/dịch vụ tốt hơn nữa, nhưng đó là 1 câu chuyện khác rồi. Sai lầm chết người thứ 10 này đơn giản nói về sự Nôn nóng, vì vậy bạn cần BÌNH TĨNH và Chuyên nghiệp để xây dựng Niềm tin và Chiếm thiện cảm!
Sai lầm chết người thứ 11: PHẢN ỨNG ĐÁP TRẢ KHI KHÁCH HÀNG NÓNG TÍNH HOẶC XÚC PHẠM QUA ĐIỆN THOẠI
Bạn có phải là 1 nhà tư vấn hay chuyên gia không? Bạn có phải là 1 người giàu kinh nghiệm trong những lĩnh vực đặc thù mà khách hàng hoàn toàn thiếu hoặc ít kinh nghiệm như: Thuế, Luật, Tài chính, ngân hàng… không? Bạn cao hơn khách hàng cả 2 cái đầu? Nếu bạn là như vậy, bạn cứ cáu thoải mái, thậm chí khách hàng nóng 1 bạn nóng 2,3 cũng không sao.
Tuy nhiên ở đây đang bàn đến Nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, 1 saleman – những người luôn coi khách hàng cao hơn mình cả cái đầu (tức trong mắt khách hàng họ đã coi bạn thấp hơn họ cả cái đầu).
Có những công việc bắt buộc nhân viên phải gọi cho khách hàng, tức telesale để có doanh thu, đạt chỉ tiêu (sẽ là may mắn hơn nếu khách hàng đó đã liên hệ với công ty/nhân viên đó từ trước), và họ cũng quen với việc bị cúp máy hoặc gắt gỏng. Nhưng cá biệt có những trường hợp khách hàng buông lời trêu ghẹo khiếm nhã hoặc rất nóng tính, mắng té tát xúc phạm đến mức Saleman đỏ bừng mặt thì sao? Tồi tệ hơn họ còn xúc phạm chạm cả vào nhân phẩm, đến mức người nhân viên sale nghe cảm thấy “bất cần”, thì sao?
Hoặc khi khách hàng dùng sản phẩm/dịch vụ của ta rồi và tự dưng không hài lòng, gọi điện thoại chửi bạn té tát không để bạn giải thích thì sao?
Sẽ là sai lầm lớn nếu bạn đáp trả và đáp trả tương xứng với độ “nghiêm trọng” của người kia gây ra, cho thỏa mãn cơn điên thì càng sai lầm!
Sale đâu chỉ là 1 nghề? Sale là cả 1 lối sống, 1 lối sống MỀM, phải mềm mới đạt đến trình độ ngôi sao bán hàng, nghệ thuật Sale. Một người bán hàng chuyên nghiệp đâu có dễ dàng từ Não người nhảy tọt lên Não bò sát ngay được, trừ khi người đó mới vào nghề, kiểu trẻ con mà đòi đá bóng.
Chúng ta không đáp trả, họ có nhỡ mồm cáu gắt quá thì ta nhẹ nhàng nói lý và hẹn họ khi khác, còn họ xúc phạm quá mức thì… thì cúp máy và hẹn nói chuyện khi khác bạn ạ!
Cúp máy, hít thở sâu, hít vào thở ra, quan trọng là Cúp máy.
Theo kiểu đạo Phật thì: Khi người khác cáu với ta, ta không nhận thì họ sẽ tự cáu với họ!
Theo kiểu chém gió online thì: Im lặng là đỉnh cao của sự khinh bỉ – ít ra cũng làm bạn bõ tức.
Nhưng Theo kiểu kinh doanh, bán hàng thì: Khi bạn im lặng, bạn cúp máy thì họ… ân hận. Cơn nóng giận qua rồi và họ rất ân hận, và lúc đó họ thực sự nể bạn vì bạn đủ bản lĩnh để im lặng mà không đáp trả. Lúc đó chỉ cần bạn đáp trả thôi thì bạn sướng trước nhưng cũng sẽ không sướng sau, vì bạn 1-1, hòa với họ rồi. Còn im lặng thì họ sẽ nể, vì nể nên nếu họ chưa mua hàng thì bạn sẽ có cơ may lớn là bán được hàng, còn nếu đã mua hàng rồi thì họ sẽ lại mua hàng của bạn tiếp.
Sai lầm chết người 12: HAY LÀM MÌNH LÀM MẨY “XÙ LÔNG NHÍM” KHI GIỚI THIỆU TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG
Những sai lầm trước tôi thường nhấn mạnh về cách ứng xử giữa 2 đối tượng Nhân viên bán hàng và Khách hàng, thì ở sai lầm này tôi muốn mở rộng ra về mặt Không gian, nơi ở đó mới chỉ có những khách hàng dạng tiềm năng, ở phần này tôi muốn nói về cách hành xử khi chưa bán hàng, trong 1 không gian khác!
Sai lầm này cũng rất thường thấy trong các đám đông, các khóa học mà đông thành phần tham gia, trong các hội thảo, hoặc đơn giản là trong 1… đám đông.
Đây là 1 phản ứng phản ánh sự không tự tin của 1 nhân viên Sale.
Ví dụ trong 1 lớp học về Nghệ thuật giao tiếp, hay lớp học về Chiến lược Marketing…tóm lại là những lớp học có nhiều-thành-phần-tham-gia. Khi đến màn giới thiệu thường thì những CEO, phó giám đốc, trưởng phòng… giới thiệu tự tin, gần gũi hoặc khiêm tốn (những người bán hàng kỳ cựu cũng thế), còn Saleman thì…xù lông lên như 1 con nhím. Họ giới thiệu cứ như sợ người ta không chú ý đến mình, bằng cách ăn to nói lớn cốt để “bằng” hoặc “không thua”.
1 người mới vào nghề Sale thường bị ngợp, hoặc không tự tin trước những người thành công ở bên cạnh. Họ cảm thấy “nóng gáy”, “nóng mắt”, bừng bừng lên 1 cảm giác phấn đấu vật chất và danh vọng, những thứ sắp-hoặc-có-thể-làm-được-trong-tương-lai. Và đó là 1 sai lầm, vì họ đã mất đi 1 cơ hội chiếm THIỆN CẢM trước mọi người!
Như tôi từng nói nhiều lần từ Phần 1 đến giờ, LÒNG TIN được xây nên bởi 1 chuỗi các THIỆN CẢM.
Dù có mất tự ti, xấu hổ hay “nóng gáy” trong trường hợp này đi nữa, bạn hãy Chân thành khi giới thiệu với mọi người, nói rõ mình có thể giúp gì được cho những người xung quanh, không quên nói về điểm mạnh của bạn. Ánh mắt chân thành, Giọng nói dễ mến, với Mong muốn giúp đỡ mọi người thì yên tâm, ai cũng quý và nể bạn, họ bắt đầu có THIỆN CẢM với bạn và chú ý lắng nghe bạn.
EM NÓI CHUYỆN VỚI ANH THÌ NHƯ THẾ NHƯNG VỚI KHÁCH HÀNG THÌ KHÁC HẲN – Sai lầm chết người thứ 13.
Điều thú vị ở sai lầm thứ 12 là 1 không gian khác, không phải không gian bán hàng thì ở điều 13 này cũng thú vị không kém về mặt không gian, đó là ở công ty bạn, nơi bạn ỨNG XỬ với đồng nghiệp, hoặc sếp.
Nói cách khác, sai lầm chết người này là sai lầm chết người trong cách ứng xử với đồng nghiệp.
EM NÓI CHUYỆN VỚI ANH THÌ NHƯ THẾ NHƯNG VỚI KHÁCH HÀNG THÌ KHÁC HẲN – đây là sai lầm dạng chết người của những nhân viên Sale non nớt chưa kinh nghiệm.
Nhận dạng:
– Thường thì sếp là trưởng phòng kinh doanh hay bị “ăn đòn” này nhất, vì trong mắt các em Saleman này thì Trưởng phòng kinh doanh cũng là người làm công ăn lương, hơn mình có tý, còn sếp là CEO thì đỡ hơn.
– Khi họ bị sếp mắng về 1 cái gì đó, và bắt đầu họ “bật lại”. Người sếp hơi ngớ người ra, bảo: em là Nhân viên kinh daonh sao lại ăn nói (giọng điệu) như thế? Và các em ý vừa nói vừa thở (vì máu đang dồn lên não): EM NÓI CHUYỆN VỚI ANH THÌ NHƯ THẾ NHƯNG VỚI KHÁCH HÀNG THÌ KHÁC HẲN. (Em sẽ khéo léo, tế nhị, duyên dáng, tinh tế và duyên dáng vô cùng, tóm lại kinh lắm)
Khác hẳn chỗ quái quỉ gì nhỉ?
Bạn nói với đồng nghiệp, sếp mình như nào thì bạn sẽ nói với anh chị em, bố mẹ mình, con cái mình như vậy!
Ngoài đời bạn như nào thì trên mạng là như vậy!
Bạn ứng xử với đồng nghiệp như nào thì bạn ứng xử với xã hội y như vậy!
Tóm lại: Ngoài đời, trên mạng, nhà trường, gia đình, xã hội, công ty…là một!
Và sẽ không ngạc nhiên, bạn sẽ NÓI CHUYỆN VỚI KHÁCH HÀNG CŨNG SẼ NHƯ THẾ!
Vì nó phản ánh Thái độ sống, Văn hóa, Niềm tin, Tri thức, Kinh nghiệm của bạn!
Đây là 1 sai lầm chết người trong cách cư sử của Saleman với cấp trên, hãy loại sai lầm này ra khỏi cuộc sống của bạn ngay lập tức! Saleman là 1 lối sống đẹp, ở tất cả các không gian, môi trường mà bạn hiện hữu, không có chuyện chỗ này thế nọ, chỗ khác thế kia.
Đây chỉ là 13 trên tổng số vô vàn sai lầm chết người mà dân sale nên tránh để tạo nên hình tượng chuyên nghiệp, gây dựng được niềm tin cho khách hàng. Hãy luôn nhớ rằng, LÒNG TIN được xây dựng bởi chuỗi THIỆN CẢM, hãy gây dựng thiện cảm đối với khách hàng ngay từ lúc này bằng cách tránh xa các sai lầm chết người nêu trên.
Theo anh Nguyễn Mạnh Linh – CEO Litado
- MobiWork ra mắt “MobiWork HR” giải pháp quản trị nhân sự chuyên biệt cho lĩnh vực phân phối
- Con đường trở thành Giám đốc bán hàng vùng từ một Salesman
- 7 cách xây dựng niềm tin của khách hàng
- 6 ý tưởng để xây dựng đội ngũ bán hàng thành công
- 9 Kỹ năng bán hàng mà dân SALES nhất định phải biết
- Những sai lầm chết người của nhân viên sales, kinh doanh – Phần I