Sự khác biệt lớn nhất giữa Dropshipping và mô hình bán lẻ truyền thống là người bán không dự trữ tồn kho hoặc sở hữu hàng hóa. Thay vào đó, người bán chỉ là trung gian quảng cáo giữa nhà cung cấp với khách hàng cuối để để tạo ra đơn hàng.
Dropshipping là gì?
Hình thức kinh doanh Dropshipping ra đời dựa trên sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) mà dấu ấn quan trọng là sự kiện năm 1994 khi Amazon thành lập đã mở ra kỷ nguyên phát triển thần kỳ của ngành TMĐT thế giới. Hình thức này phổ biến và được khai thác rộng rãi tại các nước khu vực châu Âu – châu Mỹ, tuy nhiên vẫn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam.
Dropshipping là hình thức bán hàng trực tuyến bỏ qua khâu vận chuyển. Người bán hàng trung gian sẽ không sở hữu hàng hóa, không trữ hàng trong kho và không vận chuyển đến tay người mua hàng. Việc duy nhất Dropshipper làm là marketing để tạo ra đơn hàng và gửi nó cho nhà cung cấp.
Quy trình diễn ra một đơn hàng theo hình thức Dropshipping khá đơn giản:
- Người tiêu dùng cuối đặt hàng từ Dropshipper với giá 200.000
- Dropshipper gửi đơn hàng đó về nhà cung cấp với giá 150.000
- Nhà cung cấp tự xử lý đơn hàng và vận chuyển đến tay người mua.
Như vậy, Dropshipper thu về được 50.000 trên đơn hàng đó. Người mua hàng cuối sẽ không biết được quy trình trên mà chỉ biết đến Dropshipper là người bán. Nếu có thắc mắc hoặc phản hồi cũng chỉ liên hệ với Dropshipper mà thôi.
Đây là mô hình rất phù hợp cho những người mới bắt đầu kinh doanh, có ít vốn, không có nhiều kinh nghiệm về setup cửa hàng, quản lý hàng tồn, vận chuyển.
Xem thêm: Cách xây dựng chiến lược “route to market” từ con số 0
Mục lục nội dung:
So sánh Dropshipping và bán lẻ truyền thống
Dropshipping và đầu mối bán lẻ đều là thành phần trung gian phân phối. Tuy nhiên, Dropshipping không phải một vị trí được liệt kê trong chuỗi cung ứng và được định danh rõ ràng như nhà phân phối, đại lý hoặc điểm bán lẻ. Bởi bất kỳ ai cũng có thể trở thành một Dropshipper.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Dropshipping và mô hình bán lẻ truyền thống là người bán không dự trữ tồn kho hoặc thực sự sở hữu hàng hóa. Nhà bán lẻ truyền thống sẽ “mua đứt bán đoạn” sản phẩm từ Nhà sản xuất, dự trữ trong kho để bán lại dần cho người mua, đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ khách hàng kèm theo. Còn với Dropshipper chỉ cần tập trung vào tìm kiếm khách hàng và chuyển thông tin của người cần mua đến người cần bán.
Ví dụ sau đây sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng sự khác biệt này:
– Bán lẻ theo cách truyền thống:
Bạn là nhà phân phối và bỏ ra 20.000.000 lưu kho 100 sản phẩm với giá thành 150.000/ sản phẩm. Giá bán lại cho cửa hàng bán lẻ là 300.000 vnđ.
Bạn bán được 30 sản phẩm, thu được 9.000.000. Trừ giá vốn nhập hàng bạn còn lại 4.500.000. Nhưng hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (hoặc bất kỳ biến động nào đó của thị trường) nên súc mua rất chậm. Trong khi mỗi ngày bạn đều đang phải chịu chịu chi phí quảng cáo, chi phí bảo quản hàng, chi phí mặt bằng kho bãi,… Nếu tiếp tục kinh doanh, bạn phải thêm chi phí cho quảng cáo, đẩy mạnh đội sales thị trường. Còn nếu bạn muốn ngừng kinh doanh, thì phải bán thanh lý sản phẩm tồn kho theo kiểu hòa vốn hoặc chấp nhận chịu lỗ.
– Bán hàng theo hình thức Dropshipping
Bạn là một Dropshipper, không cần bỏ tiền mua sản phẩm nhưng cửa hàng trực tuyến của bạn luôn có sản phẩm để bán với giá 300.000 /sản phẩm, trong khi nhà cung cấp ấn định mức giá sỉ cho bạn là 250.000/ sản phẩm.
Bạn bán được 30 sản phẩm và thu về 9.000.000 doanh thu. Từ đó, bạn nhận được lợi nhuận là 9.000.000 – (250.000 x 30) = 1.500.000 sau khi trừ giá vốn nhập hàng.
Tuy nhiên, vì không phải lo chi phí về tồn kho, vận chuyển nên dù hàng có bán chậm thì bạn vẫn không lo phải bù lỗ. Hoặc trường hợp nếu muốn dừng kinh doanh, bạn chỉ cần thông báo với nhà cung cấp trong khi vẫn giữ nguyên lợi nhuận mà không cần đền bù bất kì điều khoản hợp đồng nào.
Từ ví dụ trên, ta có thể thấy hình thức kinh doanh Dropshipping tuy cho lãi ít hơn khá nhiều song cũng rất linh hoạt và ít mối lo hơn. Tuy vậy, để quyết định xem hình thức kinh doanh này có thực sự phù hợp với bạn hay không cần cân nhắc thêm một số ưu nhược điểm sau đây.
Ưu điểm và hạn chế của Dropshipping
Ưu điểm của Dropshipping
- Dễ bắt đầu: Bất kì ai cũng có thể bắt tay vào kinh doanh theo hình thức này. Bạn không mua sản phẩm cho đến khi khách hàng đã thanh toán (hoặc đặt cọc trước 1 số tiền). Điều này có nghĩa, bạn gần như không mất chút chi phí nào và không phải đối mặt với rủi ro. Chỉ cần tập trung marketing thật tốt. Đôi khi sản phẩm bạn bán đã có thương hiệu sẵn thì việc quảng cáo càng dễ dàng hơn.
- Cần ít vốn: Bạn không cần nhập trước sản phẩm, chỉ khi có đơn hàng thật sự mới tiến hành đặt từ nhà cung cấp và giao đến người mua. Vì vậy, chi phí bạn cần bỏ ra chỉ cho hoạt quản quảng cáo và giữa quan hệ khách hàng.
- Không cần quản lý tồn kho và vấn đề vận chuyển: Vì bản chất của Dropshipping chỉ là công việc quảng cáo trung gian và chốt đơn hàng của khách nên dĩ nhiên bạn không cần lo về kho bãi hay vận chuyển hàng.
- Linh hoạt về mọi mặt: Tại Việt Nam, nhiều người chỉ bán hàng theo kiểu Dropshipping như 1 công việc làm thêm ngoài giờ hành chính. “Doanh nghiệp” của bạn có thể đặt tại bất cứ đâu: trong nhà, tại quán cafe hoặc thậm chí trong chiếc điện thoại di động. Bên cạnh sự linh động về thời gian và địa điểm, hình thức Dropshipping còn linh hoạt về vốn lưu động
Hạn chế của Dropshipping
Lợi nhuận thấp: Bạn không thể đòi hỏi nhà cung cấp ấn định giá nhập hàng của mình rẻ bằng giá nhập của các nhà phân phối, đại lý, điểm bán vì họ nhập với số lượng lớn và cũng phải chịu nhiều ràng buộc hơn về doanh thu, các điều khoản hợp đồng. Nên lợi nhuận nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào khả năng đàm phán giá và khả năng bán hàng của bạn.
Không kiểm tra được chất lượng hàng hóa: Dropshipper không trực tiếp nhìn thấy, đóng gói, vận chuyển hàng hóa đến khách hàng nên tất nhiên cũng sẽ không kiểm tra được chất lượng hàng hóa. Nếu hàng bị hư hỏng, kém chất lượng, người mua sẽ chỉ trách bạn. Đôi khi để giữ uy tín, bạn còn phải bỏ tiền ra để đền bù cho khách hàng.
Phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp: Bời vì bạn không thực sự sở hữu mặt hàng mình đang bán nên nhà cung cấp có hàng thì bạn có hàng, nhà cung cấp hết hàng thì bạn cũng không có để bán. Bên cạnh đó, lợi nhuận của bạn còn phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp chấp nhận chiết khấu cho bạn nhiều hay ít.
Rủi ro khi bị hủy đơn hàng: Về nguyên tắc, khách hàng cần thanh toán toàn bộ hoặc 1 phần giá trị đơn hàng trước khi mua hàng trực tuyến. Nhưng để cạnh tranh, nhiều gian hàng online đã cho phép khách hàng nhận hàng mới trả tiền (Ship Cod) hoặc cho đổi, trả hàng miễn phí. Điều này cũng tăng nguy cơ rủi ro khi bạn đã đặt hàng.
Không phải ai làm Dropshipper cũng thành công: Nếu bạn không có kiến thức về kinh doanh, kinh nghiệm quảng cáo, bán hàng trong khi lại bỏ 1 khoản chi phí khá lớn để chạy quảng cáo facebook, google ads, xây dựng website thì nguy cơ lỗ rất cao.
Dropshipping hay bán lẻ truyền thống đều có những ưu điểm/ hạn chế riêng và còn tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm kinh doanh của bản thân mỗi người để có lựa chọn đúng đắn.
Đăng ký dùng thử phần mềm:
Bài viết liên quan:
- Tích Hợp DMS và Phần mềm Bảo Trì POSM: Tối Ưu Hóa Sự Kết Nối Giữa Đội Sales và Kỹ Thuật cho doanh nghiệp Phân phối
- Giải pháp tích hợp MobiWork DMS với Odoo ERP – Tối ưu hóa quản trị và phân phối
- Tối Ưu Hóa Quản Lý Kênh Phân Phối Toàn Diện Qua Tích Hợp MobiWork DMS Và Fast ERP
- Tích Hợp MobiWork DMS Với ERP Bravo: Giải Pháp Hoàn Hảo Cho Quản Lý Kênh Phân Phối
- Tổng kết Webinar: Quản trị doanh nghiệp phân phối toàn diện và chuyên sâu với Mobiwork Next
- [MobiWork DMS] Có gì mới trong phiên bản nâng cấp Quý II năm 2024 – Mời bạn khám phá
1 Bình luận. Leave new
Bạn cho mình hỏi, có tổ chức/cộng đồng Dropshipping thành công, bán mạnh ko ạ? Cho mình xin một số tổ chức để mình tham khảo. Cảm ơn