Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động phân phối, đặc biệt là hoạt động bán lẻ trên thị trường Việt Nam lại sôi động và phát triển như hiện nay, mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, quản lý dịch vụ phân phối tại Việt Nam luôn bị hụt hơi so với thực tế và quy mô phát triển. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam cam kết WTO về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối nhưng khuôn khổ quản lý thiếu đồng bộ, chồng chéo, tính cụ thể và minh bạch còn kém…sự yếu kém về dịch vụ phân phối trong nước càng thể hiện rõ rệt hơn.
Việc mở cửa thị trường cũng tạo áp lực đến các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà phân phối trong nước. Về tương quan thị phần, các tập đoàn nước ngoài đang chiếm tỷ trọng khá ấn tượng trong phân phối bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn, đẩy doanh nghiệp phân phối VN về vùng nông thôn. Theo ông Cao Sĩ Kiêm (chủ tịch Hiệp hội SME), hiện 95% doanh nghiệp của VN có quy mô vừa và nhỏ nên khó có thể tự tổ chức hệ thống phân phối hiệu quả. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ, khả năng liên kết và tài chính đều hạn chế, doanh nghiệp VN sẽ mất lợi thế trong đàm phán thu mua và chịu thêm sức ép về giá cả, điều kiện thanh toán…
Ở một khía cạnh khác, việc mở cửa thị trường phân phối cũng sẽ tạo áp lực rất lớn đến các nhà sản xuất và nhất là các nhà phân phối trong nước. Đã có nhiều ý kiến cảnh báo về nguy cơ khu vực phân phối bán lẻ bị lấn át bởi các nhà đầu tư nước ngoài có thể lan rộng sang cả lĩnh vực bán buôn, từ đó gây ảnh hưởng đến sự đảm bảo cân đối ổn định vĩ mô chung của toàn bộ mạng lưới sản xuất của nền kinh tế. Việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường phân phối VN sẽ làm “miếng bánh” nhỏ lại và buộc các doanh nghiệp Việt phải vươn lên cạnh tranh, tạo kênh phân phối, giữ được vai trò dẫn dắt thị trường.
Có thể nói, phân phối là ngành rất nhạy cảm trong nền kinh tế nước ta vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người bán hàng và hàng chục triệu người tiêu dùng, đặc biệt là hệ thống phân phối của một số mặt hàng thiết yếu. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường phân phối đòi hỏi phải xây dựng các quy định riêng trong lĩnh vực này, đặc biệt chú ý đến bán lẻ và quy hoạch bán lẻ để tạo khung pháp lý cần thiết, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này.
Đứng trước sự gia nhập ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp phân phối lớn nước ngoài, việc rà soát lại hệ thống pháp luật về dịch vụ phân phối, đánh giá tác động của việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối của Việt Nam, kết hợp với việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý dịch vụ phân phối để đề ra những giải pháp thiết thực cho các lĩnh vực phân phối của nước ta đang trở thành một yêu cầu cấp thiết… Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh ngành dịch vụ phân phối, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội vươn lên, nhất là sau thất bại của Vingroup trong việc giành quyền mua lại Big C đã đẩy bán lẻ Việt Nam rơi vào vòng xoáy cạnh tranh gay gắt hơn khi thị phần dần rơi vào tay hàng ngoại.
Xu hướng phát triển thị trường dịch vụ phân phối Việt Nam trong thời gian tới
- Thứ nhất: các rào cản về việc gia nhập và rút khỏi hệ thống phân phối sẽ dần được loại bỏ theo lộ trình được thực hiện dựa trên các cam kết quốc tế (WTO, BTA, hiệp hội bảo hộ và xúc tiến đầu tư Việt Nam) và các cải cách của chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư và thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
- Thứ hai: sự thâm nhập ngày càng nhiều các tập đoàn phân phối đa quốc gia trên thị trường Việt Nam như: big C, Metro, Wal-Mart,.. tạo nên một bức tranh đa dạng cho hệ thống phân phối trong nước. Hệ thống phân phối không còn là mảnh đất đặc quyền của các doanh nghiệp trong nước, buộc các doanh nghiệp trong nước phải “động não” chủ động tham gia nếu không muốn bị đẩy “ra rìa”.
- Thứ ba: quá trình tích tụ và tập trung sẽ diễn ra mạnh mẽ giữa các nhà phân phối trong nước tạo thành các chuỗi liên kết với các nhà sản xuất. Một số nhà phân phối có tiềm lực sẽ mở rộng hoạt động phân phối ra nước ngoài thông qua liên doanh, liên kết với các tập đoàn phân phối nước ngoài hoặc thông qua các trung tâm giới thiệu sản phẩm, trung tâm thương mại của Việt Nam ở nước ngoài.
- Thứ tư: phương thức phân phối truyền thống vẫn tồn tại song song với các hình thức phân phối hiện đại nhưng sẽ dần bị thu hẹp và suy yếu, các nhà phân phối trong nước sẽ trưởng thành và học hỏi được nhiều kinh nghiệm tổ chức quản lý, hiện đại hóa hệ thống của các nhà phân phối nước ngoài để tự củng cố hệ thống của mình.
Nói cách khác, đến thời điểm này Việt Nam đang thiếu các công cụ quản lý dịch vụ phân phối một cách hữu hiệu. Việc áp dụng công nghệ thông tin mới chỉ dừng lại ở nâng cấp dây truyền sản xuất, chưa thấy manh nha dấu hiệu sử dụng đồng loạt các giải pháp công nghệ như phần mềm quản lý hệ thống phân phối hay các phần mềm chuyên biệt dành cho quản lý kho,…
Trên thực tế, thị trường bán lẻ nội địa vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song vấn đề đặt ra, VN có nắm và cần nắm bao nhiêu thị phần bán buôn, có chi phối và chi phối ra sao với thị phần bán lẻ? VN phải phát triển thế nào đối với hệ thống phân phối vĩ mô và vi mô trên các loại hình đô thị, thị trường nông thôn và trên các loại hình tổ chức phân phối hiện đại – truyền thống, trên những ngành kinh doanh chủ chốt có liên quan đến chuỗi giá trị của ngành… Quan trọng hơn cả, chính bản thân các doanh nghiệp phân phối có xây dựng được cho mình một hệ thống phân phối phù hợp, đồng thời có mạnh dạn trong thay đổi tư duy, áp dụng cái mới vào cải tiến kênh phân phối và năng suất làm việc của kênh.
- Áp dụng công nghệ trong quản lý trưng bày hàng hóa
- Trưng bày hàng hóa tại điểm bán – cuộc chiến không hồi kết
- Trưng bày hàng hóa – sự pha trộn giữa khoa học và nghệ thuật
- Để trung thu là tết của chính doanh nghiệp bạn
- Trung thu – Doanh nghiệp nên lấy “tốc độ” làm thế mạnh
- Ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp