Buổi trò chuyện của chúng tôi với anh Nguyễn Văn Năng – CEO thương hiệu thực phẩm sạch TB Food không xoay quanh nhiều tới tính năng hay các lợi ích của giải pháp MobiWork DMS đã mang lại cho Doanh nghiệp. Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào hành trình Startup đầy khó khăn mà anh đã và đang từng bước vượt qua. Anh chia sẻ những suy nghĩ rất riêng về con đường bản thân lựa chọn, về hành trình đưa TB Food tới gần hơn với khách hàng, và cả những ưu tư của một CEO trẻ chưa bao giờ hết khát khao cống hiến.
Em tò mò một chút, trước khi thành lập thương hiệu thực phẩm sạch TB Food, anh Năng đã trải qua những công việc gì?
Trước khi TB Food ra đời, anh đã trải qua khá nhiều công việc tại một số doanh nghiệp, lớn cũng có mà dạng startup cũng có. Đầu tiên là công việc bán hàng tại Unilever Việt Nam hơn 3 năm. Sau đó chuyển qua vị trí Marketing của 2 công ty khác, một trong số đó là công ty startup. Tổng thời gian anh đi làm thuê trước khi làm chủ cỡ khoảng 5-6 năm (cười).
Những công việc đó đã mang lại giá trị nào cho anh?
Giá trị gì à? Có thể với nhiều bạn trẻ, việc đi làm là để kiếm tiền, công việc trước tiên là mang lại thu nhập cho chính mình. Tuy nhiên, với anh thì anh đi làm với tâm thế đi học, còn lúc ấy thu nhập với anh thực sự không phải là mối quan tâm hàng đầu. Cái được của anh chính là kiến thức, là kinh nghiệm anh tích lũy được trong khoảng thời gian anh đi làm.
Ngày trước ở Unilever, anh học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể bán được sản phẩm ra thị trường. Rồi khi chuyển qua Marketing cũng thế, anh biết Marketing là như thế nào, phải làm công việc gì, giá trị đóng góp của Marketing cho doanh nghiệp là gì? Đến giai đoạn tham gia vào một công ty startup, anh gần như trải qua tất cả các quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, từ lúc thai nghén sản phẩm, tới xây dựng hệ thống phân phối như thế nào, rồi bán sản phẩm ra làm sao, định vị sản phẩm mới ra trên thị trường như thế nào, anh đều được trải qua, được rèn luyện hết.
Tóm tại, điều giá trị nhất mà anh thu nạp được chính là kiến thức. Thời gian anh đi làm chính là thời gian anh học đại học thứ 2, thứ 3 trong đời.
Không biết suy nghĩ khởi nghiệp của anh có trước hay sau khi anh đã đi làm và học được rất nhiều kiến thức mới?
Suy nghĩ khởi nghiệp xuất hiện trong đầu anh trước khi anh chính thức đi làm. Nó không quá rõ ràng nhưng anh chắc chắn là có. Từ rất lâu rồi anh đã có một khát vọng thầm kín là được làm chủ, là thành lập một công ty cho riêng mình. Tuy nhiên khi đó anh chưa xác định cụ thể là anh sẽ theo lĩnh vực nào, mà phải tới khi đi làm tại một số môi trường thì dần dần anh nhận ra, lĩnh vực thực phẩm sạch sẽ là lĩnh vực mà anh nên theo đuổi, và có kinh nghiệm để theo đuổi nhất.
Cũng phải chia sẻ thêm, là nhờ tinh thần owner mindset (tinh thần làm chủ) đấy mà anh có thêm động lực để học hỏi hết mình trong quá trình đi làm. Anh không giới hạn bản thân ở một phạm vi nào mà luôn cố gắng để học càng nhiều càng tốt.
Vậy anh được gì ngoài thỏa mãn khát vọng làm chủ bản thân khi lựa chọn theo con đường khởi nghiệp?
Con đường khởi nghiệp khi thai nghén nó rất “màu hồng”. Thực tế khi dấn thân vào thì nó trầy trật vào quá nhiều chông gai. Có những áp lực mà anh đã lường trước được, thậm chí anh đã đi làm, đi học để tôi luyện bản thân, để chuẩn bị đương đầu với nó, thế nhưng vẫn quá khó khăn để anh có thể vượt qua được nó, có thể nói để vượt qua được những khó khăn và thử thách đấy thì anh cũng phải bầm dập không ít.
Tuy nhiên, kể ra như vậy không có nghĩa là khởi nghiệp không cho anh được điều gì, khởi nghiệp cho anh nhiều lắm. Đầu tiên như em nói, là thỏa mãn được đam mê của bản thân mình nhưng trên hết là rèn luyện được bản lĩnh cho chính mình. Con đường khởi nghiệp vốn rất nhiều chông gai nhưng mình phải dẫm lên gai thì nó mới thành. Và khi em vượt qua được những khó khăn, thử thách ấy thì bài học, giá trị và kinh nghiệm em thu lượm được nó cũng sẽ tương xứng với những khó khăn em mà đã trải qua.
Có thể em không thấy kết quả ngay tại thời điểm nó xảy ra, nhưng chắc chắn là em đang tiến bộ từng ngày thông qua những khó khăn đó. Với anh, anh đánh giá và để cao sự chuyển biến nội lực ấy, bởi vì suy cho cho cùng, cốt lõi của doanh nghiệp cũng là con người, con người càng phát triển thì doanh nghiệp càng đi lên.
Khởi nghiệp vốn đã khó, lại rơi đúng thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành (năm 2020), chắc hẳn anh đã gặp phải vô vàn khó khăn. Anh có thể chia sẻ thêm về giai đoạn khởi đầu đầy chông gai này hay không?
Có thể khẳng định giai đoạn đại dịch Covid-19 chính là thời kỳ đen tối của nền kinh tế và cả văn hóa, xã hội, nói chung là mọi lĩnh vực đều đen tối. Rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa, trả mặt bằng. Tuy nhiên với bản thân anh, về tổng quan anh lại cảm thấy may mắn, may mắn vì con đường anh lựa chọn là kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm đông lạnh.
Tại thời điểm đấy, 2 bài toán được cả xã hội quan tâm là nhu yếu phẩm và trang thiết bị, vật tư y tế. Và TB Food đã giải quyết được 1 trong hai bài toán quan trọng đó. Doanh nghiệp của anh cung cấp thực phẩm đông lạnh thay vì đồ tươi sống, vừa bảo quản được lâu mà vẫn đảm bảo giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, đúng nhu cầu dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân lúc bấy giờ. Anh cũng có hệ thống phân phối tương đối rồi, cũng xin được giấy phép di chuyển do đó việc lưu thông hàng hóa cũng bớt khó khăn hơn. Trong giai đoạn xã hội đang căng thẳng mà mình có thể đáp ứng được, giải quyết được bài toán khi nó đang phát sinh thì bản thân mình cũng có động lực hơn để tiếp tục con đường mình đã chọn.
Còn tất nhiên là trong quá trình triển khai, vẫn có rất nhiều cái vướng vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhân viên đi thị trường cần phải tiêm phòng, xin giấy phép, hàng loạt giấy tờ và thủ tục khác mới được ra ngoài trong thời điểm giãn cách xã hội. Nhưng những khó khăn đó thì không phải là khó khăn của riêng TB Food mà đó là khó khăn chung của mọi doanh nghiệp đều phải trải qua.
Hiện tại TB Food phân phối qua những kênh bán hàng nào thưa anh?
TB Food hiện đang phân phối chủ yếu qua các kênh offline. Tại địa bàn Hà Nội, bên anh phân phối trực tiếp cho các siêu thị, homefarm, cửa hàng tiện lợi. Còn ở các tỉnh thành phía Bắc, anh phân phối sản phẩm tới nhà phân phối, nhà phân phối sẽ thay TB Food cung cấp sản phẩm cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm, mô hình tương tự tại Hà Nội.
Kinh doanh thực phẩm sạch đang là xu hướng, đồng thời nó cũng phải chịu sức cạnh tranh rất gay gắt. Vậy, đâu là điểm khác biệt giúp các sản phẩm của TB Food luôn có chỗ đứng trên thị trường qua các năm?
TB Food không quá cao siêu và thần thánh đâu, bởi vì anh chỉ đang cung cấp các loại thực phẩm rất basic (cơ bản) ra thị trường cho nên cũng không cần khác biệt gì quá lớn cho sản phẩm của mình.
Nếu thị trường có quá nhiều tồn đọng về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng thì các sản phẩm của TB Food chỉ cần bám sát vào nhu cầu thực tế của bà con là thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tuân thủ đúng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là được. Yếu tố chi phí cũng quan trọng, bởi, mình cung cấp sản phẩm tốt với mức giá phù hợp thì tự khắc mình sẽ được thị trường ủng hộ.
Và như vậy khi sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, thì mình tối ưu thêm hệ thống phân phối là mình có nhiều cơ hội để tồn tại và phát triển tốt hơn rồi.
Anh vừa nhắc tới một yếu tố là tối ưu hệ thống phân phối. Vậy việc ứng dụng phần mềm MobiWork DMS có phải là giải pháp giúp tối ưu hệ thống phân phối của anh hay không?
Theo quan điểm của anh, MobiWork DMS là công cụ hỗ trợ tối ưu hệ thống phân phối đồng thời là giải pháp giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí vận hành.
Theo cách đi thị trường truyền thống, nhân viên bán hàng phải ghi chép đơn hàng thủ công ra giấy, rồi gửi về cho kế toán tại văn phòng tổng hợp, duyệt đơn hàng ngày, bộ máy vận hành như thế nó rất cồng kềnh. Chưa kể khi doanh nghiệp phát triển hơn, đơn hàng nhiều hơn thì việc ghi chép bằng tay không thể tránh khỏi những sai sót, khi đó quản lý vừa khó khăn lại không mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Nhưng nếu sử dụng MobiWork DMS, bộ máy vận hành bao gồm nhân viên Sales, kế toán, nhân viên kho bãi sẽ làm việc với nhau nhịp nhàng hơn, hạn chế sai sót hơn, vừa thuận tiện trong quản lý lại dễ dàng phát triển kinh doanh.
Hoặc như một bạn nhân viên thị trường, theo cách thủ công thì chỉ phụ trách được một khu vực nhỏ thôi, nhưng nếu có sự hỗ trợ của giải pháp DMS thì năng suất làm việc của bạn đó sẽ được nhân lên. Nếu bình thường chỉ quản lý được một khu vực bao gồm 60 cửa hàng, thì khi sử dụng DMS bạn đó có thể quản lý được 120- 150 cửa hàng. Vì vậy, thay vì phải cần đến 2 nhân viên thị trường, anh chỉ cần 1 bạn là đủ. Và như thế, anh tiết kiệm được chi phí chi trả cho 1 nhân sự, đồng nghĩa là tiết kiệm được chi phí vận hành, mà tiết kiệm được chi phí vận hành thì giá của sản phẩm cũng sẽ “mềm” hơn, khách hàng được hưởng lợi nhiều hơn.
Tóm lại là khi doanh nghiệp tiết kiệm 1 đồng cho mình cũng là tiết kiệm 1 đồng cho khách hàng của mình.
Vậy sau 2 năm đồng hành cùng MobiWork DMS, anh đánh giá như thế nào về mức độ đáp ứng của phần mềm đối với doanh nghiệp của mình?
MobiWork DMS đáp ứng được khoảng 80-90% các nghiệp vụ trong vận hành và quản lý hệ thống phân phối của TB Food. Anh không chấm 100% vì không có gì là hoàn hảo trên đời, với lại chấm 100% thì có vẻ không khách quan lắm, như kiểu vì mình dùng nên mình khen ấy (cười).
Khó khăn của những ngày đầu thành lập doanh nghiệp, anh đã vượt qua rồi, nhưng thật lòng đã có lúc nào anh muốn bỏ cuộc hay chưa?
Dù khó khăn thế hay khó khăn hơn thế thì anh không cho phép bản thân mình được có suy nghĩ bỏ cuộc. Nói vui thì là đã cưỡi lên lưng hổ rồi thì khó xuống lắm. Còn sự thật là anh không chỉ phải có trách nhiệm với ước mơ của mình, anh còn phải có trách nhiệm với những cộng sự đã kề vai sát cánh cùng mình.
Giai đoạn đầu anh thành lập TB Food, lúc đó có một bạn xin vào làm nhân viên kinh doanh cho anh. Bạn chia sẻ với anh rằng, bạn ở tỉnh lẻ lên Hà Nội làm việc, dịch bệnh bất ngờ ập tới khiến bạn mất việc. Không có thu nhập nhưng tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt vẫn phải tiêu. Quá khó khăn bạn còn phải bán cả điều hòa, bán cả tủ lạnh, cố gắng chi tiêu dè sẻn để cầm cự lại Hà Nội chờ kiếm việc mới, thời điểm đó bạn không thể về quê. Anh đã nhận bạn vào làm như thế.
Vậy thì nếu công ty khó khăn, anh lại bỏ cuộc thì bạn đó và những bạn khác sẽ thế nào đây? Một lần nữa để các bạn rơi vào cùng cực của cái khổ à? Anh không làm được! Thế nên dù khó, anh cũng phải cố gắng vực dậy bản thân, càng khó thì anh và các anh em của mình lại càng quyết tâm vượt qua cái khó.
Giai đoạn khởi sự khó, hiện tại khó, và tương lai cũng sẽ còn rất nhiều khó khăn, muốn thành công thì anh không được có suy nghĩ bỏ cuộc, anh chỉ tâm niệm như vậy thôi!
Cuối cùng, em có thể hỏi anh về mục tiêu phát triển trong tương lai của TB Food hay không?
Trước mắt TB Food vẫn trung thành phát triển trong lĩnh vực thực phẩm sạch, cung cấp cho thị trường các đặc sản từ mọi vùng miền của đất nước. Trong tương lai, ngoài phát triển thị trường Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, TB Food sẽ mở rộng thị trường tới miền Trung, miền Nam, tóm lại là mọi miền Tổ Quốc đều sẽ có sự hiện diện của thực phẩm TB Food.
Xin cảm ơn anh Năng về buổi trò chuyện hết sức ý nghĩa ngày hôm nay!
MobiWork DMS tự hào đóng góp vào thành công của hơn 1000 doanh nghiệp Việt ở mọi quy mô, lĩnh vực trên chặng đường chuyển đổi số hệ thống phân phối, với những khách hàng doanh nghiệp tiêu biểu như: Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Đồng Tâm Group, Tập đoàn DABACO, Tập đoàn Nagakawa, Sao Thái Dương, Dược phẩm Đông Á, …
Doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất và phân phối đừng quên đăng ký tư vấn để nhận đầy đủ thông tin, tài liệu, tham khảo lộ trình triển khai MobiWork DMS tương tự TB Food nhé!
Bài viết liên quan
- Daesang Đức Việt “chuyển mình” với công nghệ DMS
- Giám sát & Cải thiện quản lý đội ngũ Sales thị trường tại Công ty Phan Nguyễn
- GIMEDI Đổi Mới Quy Trình Quản Lý Phân Phối Bằng DMS MobiWork
- Access Global cải tiến phân phối với MobiWork DMS
- Mai Khôi: Bước Chuyển Mình Trong Quản Lý Phân Phối Với MobiWork DMS
- Tối ưu Tuyến bán hàng Và Đội ngũ Sale thị trường tại ECOGREEN cùng MobiWork DMS